Ghi nhận sau một tháng thực hiện Luật Căn cước năm 2023

Thứ hai - 19/08/2024 22:34
Sau một tháng triển khai thực hiện Luật Căn cước năm 2023, toàn tỉnh đã có 219.237 công dân được cấp thẻ căn cước, tập trung chủ yếu ở đối tượng từ 6 đến 14 tuổi. Nhằm bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện cấp thẻ căn cước đạt hiệu quả, ngành công an đã phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện tốt các khâu tuyên truyền, hoàn thiện phần mềm, hệ thống thiết bị, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, kỹ năng nghiệp vụ của lực lượng chức năng trực tiếp tham gia.

   Có mặt trong ngày đầu thực hiện Luật Căn cước năm 2023 tại Nhà văn hóa xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng, cháu Vũ Việt Anh, sinh năm 2011 phấn khởi chia sẻ: Thấy các cô chú tuyên truyền về việc làm thẻ căn cước mới với những quy trình khác trước, cháu thực sự háo hức. Sáng nay, buổi sáng đầu tiên thực hiện Luật Căn cước 2023, cháu được bố đưa đến đây để đăng ký làm thẻ. Chỉ gần 20 phút đã hoàn thành thủ tục. Việt Anh và rất nhiều trẻ em khác được các cán bộ, chiến sỹ công an tận tình hướng dẫn thực hiện các bước quy trình, thủ tục thu nhận thông tin, dữ liệu nhanh chóng, tiện lợi như lăn tay, chụp ảnh, lấy thông tin về mống mắt.

   Anh Nguyễn Xuân Đức, một công dân địa phương chia sẻ: Theo luật lần này đối tượng cấp thẻ căn cước được mở rộng, tôi thấy thực sự tiện lợi cho các gia đình khi làm các thủ tục liên quan đến hộ khẩu, giấy khai sinh giờ không cần phải mang theo quá nhiều giấy tờ. Cũng rất tiện lợi khi các cháu đi máy bay, chỉ cần có thẻ căn cước là đủ. Đối với chúng tôi, những thay đổi này mang lại nhiều tiện ích trong công việc, đi lại, giao dịch…

   Không khí những ngày đầu tháng 7 triển khai thực hiện luật ở Hà Nam cho thấy, ở tất cả các địa phương trong tỉnh, nơi nào tổ chức làm thẻ căn cước mới đều thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, đặc biệt là trẻ em. Theo Trung tá Đoàn Thị Ngọc Linh, Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Công an huyện Bình Lục, lực lượng Công an huyện đã phát huy tốt vai trò của cơ quan thường trực trong công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 nói chung, công tác cấp căn cước nói riêng.

   Đặc biệt, các tổ công tác lưu động cấp thẻ căn cước tại các xã, thị trấn thực hiện xuyên suốt ngày đêm tổ chức cấp thẻ cho người dân trên địa bàn huyện. Chỉ trong 4 ngày đầu thực hiện luật, riêng Công an thị trấn Bình Mỹ tiếp nhận gần 1.500 hồ sơ, trong đó có trên 1.000 hồ sơ cấp căn cước cho công dân dưới 14 tuổi. Tính từ 1/7 đến 12/8, toàn huyện đã cấp căn cước cho 13.758/13.758 công dân độ tuổi từ 0-6 tuổi; 19.253/21.610 công dân từ 6 đến 14 tuổi; trên 4.000 thẻ căn cước cho công dân trên 14 tuổi đến hạn đổi thẻ. Bình Lục là đơn vị triển khai sớm việc cấp thẻ căn cước lưu động ngoại tỉnh cho công dân Hà Nam.

   Trung tá Đoàn Thị Ngọc Linh chia sẻ: Để góp phần thực hiện có hiệu quả, kịp thời và tạo điều kiện cho người dân giao dịch các thủ tục hành chính tiện lợi, Công an huyện đã thành lập Tổ công tác cấp căn cước lưu động phục vụ nhân dân từ ngày 6/8 tại các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai... Riêng tại Hà Nội, trong 3 ngày triển khai thực hiện ở các địa bàn quận Ba Đình, quận Hoàng Mai, Nam Từ Liêm và Thanh Xuân, tổ đã thu nhận trên 400 hồ sơ cấp căn cước cho công dân.

20240704120111 103dsc08684
Cán bộ Công an thành phố Phủ Lý thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi.

   Luật Căn cước 2023 là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện và xây dựng Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá về chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến… Do vậy, để luật thực sự đi vào đời sống, theo Thượng tá Nguyễn Anh Tiến, Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các huyện, thị, thành phố nghiêm túc thực hiện các nội dung trong Kế hoạch triển khai thi hành luật. Các lực lượng chức năng tập trung tiếp nhận, xử lý, phê duyệt hồ sơ và tổ chức trả thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước cho công dân; phân tích đánh giá, triển khai ứng dụng tiện ích của các cơ sở dữ liệu được tích hợp trên VNeID, thẻ căn cước; rà soát, cập nhật hoàn thành 100% chỉ tiêu làm sạch dữ liệu dân cư bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”; kiểm tra, phúc tra công tác triển khai luật và các văn bản hướng dẫn thi hành luật; rà soát, thực hiện công tác đăng ký, quản lý cư trú đối với các trường hợp nhân khẩu đặc biệt, các trường hợp di biến động (đi tù, đi nước ngoài, đi không rõ nơi đến…); các trường hợp là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.

   Được biết, trước khi luật chính thức có hiệu lực từ 1/7/2024, Hà Nam đã làm tốt công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh các cấp để nhân dân nắm được những điểm mới của luật. Đó là những điểm đáng chú ý như: Chính thức đổi tên “Căn cước công dân” thành “Căn cước”; Chứng minh nhân dân 9 số hết hiệu lực từ ngày 01/01/2025; lược bỏ thông tin quê quán và vân tay trên thẻ căn cước..., bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; bổ sung quy định cấp căn cước điện tử; quy định thu thập thông tin sinh trắc học và bổ sung quy định về việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước… Đó là việc mở rộng đối tượng cấp thẻ, không chỉ dành cho công dân từ đủ 14 tuổi mà còn mở rộng đối với công dân dưới 14 tuổi cũng được cấp thẻ theo nhu cầu.

    Đại úy Trần Tuấn Anh, Đội Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an huyện Bình Lục cho biết: Đối với công dân dưới 6 tuổi, người đại diện hợp pháp sẽ thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc ứng dụng VNeID và lựa chọn đơn vị tiếp nhận hồ sơ là cơ quan quản lý căn cước nơi công dân đang cư trú. Trường hợp người dưới 6 tuổi chưa khai sinh thì người đại diện làm thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh điện tử hoặc đi làm trực tiếp; cơ quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin nhận dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi.

   Theo phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an tỉnh Hà Nam, trong 1 tháng triển khai thực hiện luật, toàn tỉnh đã cấp căn cước, giấy chứng nhận căn cước cho 219.237 trường hợp. Trong đó, số thẻ được cấp cho trẻ dưới 6 tuổi là 83.289 thẻ; trẻ từ 6 đến 14 tuổi là 113.305 thẻ; đủ 14 tuổi trở lên là 22.423 trường hợp... 100 công dân đã cung cấp thông tin sinh trắc học về AND trong Cơ sở dữ liệu căn cước.  Ba đơn vị Công an cấp xã đầu tiên về đích phủ kín căn cước cho công dân trong độ tuổi từ 0 đến dưới 14 tuổi đủ điều kiện, đạt 100% gồm các xã: Thanh Phong, Thanh Tâm (huyện Thanh Liêm); Hoàng Tây (huyện Kim Bảng). Nhiều địa phương đã và đang tổ chức cấp thẻ căn cước lưu động tại nhà cho người khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không thể di chuyển đến địa điểm tổ chức làm thẻ căn cước./.

 

 

Tác giả: Theo Báo Hà Nam

Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...

Thống kê
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay29,526
  • Tháng hiện tại614,050
  • Tổng lượt truy cập3,617,604
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây