Ban Tổ chức lễ tang đã phân luồng các đoàn vào viếng Tổng Bí thư. Một bên là các đoàn cơ quan, tổ chức vào viếng theo thứ tự đã đăng ký, một bên là luồng vào viếng của người dân thì nối tiếp nhau như dòng chảy, liên tục không ngừng.
Có mặt tại tuyến đường Nguyễn Công Trứ, đoạn gần phố Hàng Chuối, chúng tôi nghe tiếng bật khóc nức nở của một cụ ông: "Bác đi rồi sao, bác ơi. Thương bác quá..." Khi lại gần thì thấy cụ ông điều khiển xe máy nhưng đang bó nẹp ở lưng do mổ đốt sống lưng cách đây ít năm, chân cụ cũng yếu, phải dùng nạng để di chuyển. Đó là cụ Nguyễn Văn Thịnh (SN 1946), trú phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Cạnh bên, cụ bà Trần Thị Nghị (SN 1946), vợ ông Thịnh cũng rơm rớm nước mắt.
"Bà là thanh niên xung phong, thương binh 61%, còn ông là công nhân, cách đây 4 năm vừa mổ lưng nên cứ phải đeo nẹp như thế. Hôm qua vợ chồng tôi đi viếng nhưng chưa được vào. Hôm nay quay lại tưởng là vào được, nhưng xếp hàng dài thế này mà sức khoẻ ông nhà tôi yếu, nên thôi cũng đành đứng ngoài vái vọng vào...", cụ Nghị nghẹn ngào.
Ở góc phố Trần Thánh Tông, cô Nguyễn Thị Huệ cùng con gái đưa hai cháu ngoại vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. "Cô bán hàng đêm nên từ hôm qua đến giờ đã ngủ đâu, 5h gọi hai cháu gái dậy và đến đây xếp hàng", cô Huệ chia sẻ. Dù thời tiết nắng nóng oi bức, xếp hàng lâu, nhưng mấy mẹ con bà cháu đều hết sức trang nghiêm, bước từng bước thành kính trong dòng người vào Nhà tang lễ viếng đồng chí Tổng Bí thư.
Trên các tuyến phố dẫn vào Nhà Tang lễ Trần Thánh Tông như Nguyễn Công Trứ, Tăng Bạt Hổ, Yec-Xanh, Nguyễn Cao, Nguyễn Huy Tự, Lê Quý Đôn... dòng người vẫn xếp hàng dài, tiếp nối, tiếp nối tưởng như không dứt. Lực lượng Công an nói chung, trong đó có Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, Công an quận Hai Bà Trưng... có mặt từ sáng sớm để phân luồng, phân làn, hướng dẫn giao thông, hướng dẫn người dân xếp hàng vào viếng.
Dậy từ 4h sáng và có mặt từ 5h kém, Trung tá Nguyễn Thị Nhung, cán bộ Đội An ninh Công an quận Hai Bà Trưng cùng đồng đội có mặt ở các tuyến phố làm nhiệm vụ bảo đảm ANTT, hướng dẫn, giúp đỡ người dân di chuyển vào phía trong Nhà tang lễ. Chị và đồng đội coi đây là một nhiệm vụ hết sức đặc biệt, dù không trực tiếp được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhưng mỗi khoảnh khắc làm nhiệm vụ, phục vụ nhân dân như thế này đều là những kỷ niệm khó quên, góp một phần nhỏ bé để Lễ Quốc tang bảo đảm an toàn...
Cạnh đó, em Đặng Minh Hà, sinh viên Học viện Ngoại giao, tham gia Câu lạc bộ tình nguyện TP Hà Nội vừa hướng dẫn người dân vào viếng cầm sẵn điện thoại, chìa khoá trên tay, vừa liên tục dùng tay quạt cho hàng người chậm rãi đi qua. Hôm qua, 25/7, Hà làm hai ca chiều và tối, còn sáng nay đến từ 5h. "Trước sự kiện đặc biệt này, chúng em dù chỉ đứng vòng ngoài thôi nhưng cũng cảm thấy hạnh phúc, vì được thực hiện việc làm ý nghĩa, như một nén tâm nhang tri ân, tưởng nhớ Tổng Bí thư...", Hà bày tỏ.
Ghi nhận ở Nhà tang lễ, trời càng về trưa càng nắng gắt, Ban Tổ chức đã bố trí thêm nhiều ô lớn che nắng để thuận tiện cho các đoàn đại biểu và dòng người vào viếng Tổng Bí thư. Mỗi người dân dù nhiều độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, nơi sống khác nhau, nhưng trong tim đều hướng về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng, sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân.
Trước đó, Lễ viếng đồng chí Tổng Bí thư trong ngày Quốc tang đầu tiên đã diễn ra đến nửa đêm. Do lượng người xếp hàng đăng ký vào viếng quá lớn nên Ban Tổ chức Lễ tang đã quyết định kéo dài thời gian viếng tại Nhà Tang lễ Quốc gia từ 22h lên 24h ngày 26/7, cho đến khi hết người vào viếng Tổng Bí thư; TP Hồ Chí Minh quyết định kéo dài thời gian viếng tại Hội trường Thống nhất đến 23h; thôn Lại Đà đón các đoàn tới viếng đến 24h.
Theo thông tin từ Ban Tổ chức Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tính từ 7h đến 19h30 ngày 25/7, đã có 1.565 Đoàn với khoảng 55.600 lượt người là đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị, các lực lượng vũ trang nhân dân, các đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức và bạn bè quốc tế, đồng bào đã đến viếng, gửi vòng hoa, chia buồn cùng gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Tang lễ Quốc gia, Hội trường Thống nhất và quê nhà thôn Lại Đà.
Tại TP Hồ Chí Minh: Viếng sớm hơn so với giờ thông báo
Sáng 26/7, theo ghi nhận của phóng viên, hơn 6h30 sáng đã có hàng dài người đứng đợi trước Hội trường Thống nhất chờ đến giờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 6h40, Ban tổ chức đã mở cửa sớm cho người dân, các đoàn thể vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mặc dù thông báo trước đó là 7h sáng.
Tại quê nhà thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội
Ngày 26/7, ngày Quốc tang thứ hai, cũng giống như ngày hôm trước, ngay từ rạng sáng, hàng nghìn người dân tới từ nhiều nơi lặng lẽ xếp hàng chờ đến lượt vào kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà.
Theo thống kê của Ban tổ chức, tính tới tối muộn 25/7, quê nhà đồng chí Tổng Bí thư đã đón tiếp 1.078 đoàn khách, gần 41.000 người tới viếng.
Làng Lại Đà, xã Đông Hội đã có một đêm không ngủ. Đêm qua, lễ viếng đã kéo dài đến 24h. 2h sáng, các hoạt động sắp xếp, dọn dẹp lại các khu vực nhà văn hoá thôn mới kết thúc để chuẩn bị cho lễ viếng tiếp tục được tổ chức vào sáng nay.
Kiều bào xa xứ, bạn bè quốc tế tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Ngay sau khi Đại sứ quán Việt Nam tại các nước mở sổ tang, tổ chức trọng thể lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hàng nghìn kiều bào và bạn bè quốc tế đã đến dự lễ viếng và bày tỏ lòng tiếc thương đối với sự ra đi của Tổng Bí thư.
Đồng bào Xơ Đăng tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Sáng 26/7, tất cả các thôn làng đồng bào Xơ Đăng tại huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đồng loạt tổ chức tưởng niệm, thắp hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Mặc dù trên địa bàn còn mưa lớn do đang ảnh hưởng bão nhưng đúng 8h sáng nay, 86/86 thôn làng đồng bào Xơ Đăng huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum tổ chức tưởng niệm, thắp hương tưởng nhớ và tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Sau buổi Lễ, các thôn làng tổ chức đánh chiêng, trống thành kính tiễn đưa Tổng Bí thư về nơi an nghỉ. Cuối cùng, trước cờ rủ, người dân dành 1 phút tưởng niệm, tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kéo dài đến 13h.
Lễ truy điệu được tổ chức lúc 13h cùng ngày tại Nhà Tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội.
Lễ viếng, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống nhất, TP Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.
Lễ an táng lúc 15h cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, TP Hà Nội.
Nguồn tin: Báo CAND: