Phát biểu khai mạc Hội nghị, Đại tá Tô Anh Dũng - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Công an tỉnh khẳng định: Luật Căn cước và Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 là các văn bản luật quan trọng, được Quốc hội, Chính phủ, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đặc biệt quan tâm chỉ đạo, có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân và công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Để tổ chức triển khai Luật trên địa bàn tỉnh, lực lượng Công an đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 516 và 519 ngày 29/3/2024, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương (từ công tác quán triệt, triển khai, tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, chuẩn bị các điều kiện để triển khai thi hành). Đặc biệt, với chức năng, nhiệm vụ được giao Công an tỉnh đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 02 ngày 15/5/2024 quy định tiêu chí thành lập, tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; mức hỗ trợ, bồi dưỡng, chế độ, chính sách đối với người tham gia lực lượng tham lực lượng gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và điều kiện bảo đảm hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hà Nam...
Đại tá Tô Anh Dũng - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Công an tỉnh phát biểu khai mạc Hội nghị
Các đại biểu dự Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Phạm Công Nguyên - Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an quán triệt, triển khai nội dung của 02 luật; các văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành, nhất là những điểm mới, điểm đáng chú ý, những vấn đề thực tiễn trong quá trình thi hành luật.
Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Phạm Công Nguyên - Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an quán triệt, triển khai nội dung của Luật Căn cước, Luật lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở
Các đại biểu dự Hội nghị
Đại tá Phạm Hùng Dương – Uỷ viên BTV Đảng uỷ, Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại Hội nghị
Theo đó, Luật Căn cước gồm 7 chương, 46 điều, với một số điểm mới như: Chính thức đổi tên thẻ Căn cước công dân (CCCD) sang thẻ Căn cước và bỏ thông tin quê quán, vân tay trên thẻ căn cước; sẽ khai tử chứng minh nhân dân từ 01/01/2025; cấp thẻ Căn cước cho người dưới 14 tuổi từ ngày 01/7/2024; bổ sung giấy chứng nhận Căn cước; từ ngày 01/7/2024, công dân sẽ có Căn cước điện tử; việc người dân đang sử dụng thẻ CCCD thì vẫn tiếp tục sử dụng cho đến khi hết hạn sẽ đổi sang mẫu mới… quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác cấp, quản lý, sử dụng thẻ Căn cước…
Đối với Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở gồm 5 chương, 33 điều; quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Về vị trí, chức năng, vai trò, nhiệm vụ lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở… Các quy định về lý lịch, trình độ văn hóa, sức khỏe của người được tuyển chọn tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn, yêu cầu bảo đảm ANTT của từng vùng miền; quy định quan hệ công tác với HĐND, UBND, Công an cấp xã và quan hệ phối hợp với các cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn cấp xã…
Thông qua Hội nghị nhằm phổ biến, quán triệt các nội dung cơ bản của Luật Căn cước, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thi hành, bảo đảm chuẩn bị kịp thời, chu đáo, đồng bộ, thống nhất các điều kiện để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả ngay khi Luật có hiệu lực thi hành./.