Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn tội phạm “tín dụng đen”

Thứ ba - 13/06/2023 06:37
“Tín dụng đen” thường diễn ra âm thầm, không ồn ào, nhưng hệ lụy của nó ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều hoạt động của đời sống xã hội. Nhiều gia đình do vay tiền của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” đã lâm vào hoàn cảnh khó khăn, phải tha phương cầu thực, gia đình mâu thuẫn, ly tán… Thời gian qua, Công an tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương chủ động triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
    Hiện nay, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trong xã hội ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, đặc biệt nổi lên loại tội phạm, vi phạm pháp luật trong hoạt động cho vay, hỗ trợ tài chính, hoạt động trá hình dưới nhiều hình thức trái quy định của pháp luật với lãi suất cao, thường gọi là “tín dụng đen”. Lợi dụng tình hình đời sống người dân khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhiều người bị thất nghiệp, làm ăn thua lỗ… chưa tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng, tổ chức tín dụng, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” tìm mọi cách để thực hiện hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, một bộ phận thanh, thiếu niên tham gia các hoạt động tệ nạn (cờ bạc, cá độ, lô đề...) hoặc do nhu cầu bất hợp pháp nên tìm đến các tổ chức hoạt động “tín dụng đen”. Cũng có trường hợp nhiều người sử dụng tiền nhàn rỗi để trực tiếp cho vay dưới dạng “tín dụng đen” hoặc tham gia với vai trò trung gian, huy động vốn, gây rủi ro rất lớn cho cả người cho vay và đi vay.
20230608085455 97kienquyet
Công an xã An Ninh (Bình Lục) tuyên truyền, phổ biến những phương thức, thủ đoạn và hệ lụy của tội phạm tín dụng đen tới nhân dân trên địa bàn
   Tổ chức hoạt động “tín dụng đen” thường diễn ra âm thầm với các chiêu trò, như giải quyết thủ tục vay vốn nhanh chóng qua hình thức cầm đồ, thế chấp giấy phép lái xe, giấy tờ đăng ký xe, hoặc thậm chí không cần tài sản thế chấp, chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân, người có nhu cầu sẽ nhanh chóng nhận được khoản tiền vay. Tuy nhiên, đánh đổi lại, người vay sẽ phải chịu mức lãi suất “cắt cổ” (từ 3.000 đồng đến 10.000 đồng/triệu đồng/ngày vay) tương đương mức lãi suất hàng trăm phần trăm mỗi năm, đẩy người vay vào tình trạng khó có khả năng trả nợ.
    Bên cạnh thủ đoạn tổ chức phát tán, dán tờ rơi tại địa điểm công cộng, hiện nay, khi công nghệ phát triển, các đối tượng phạm tội liên quan đến “tín dụng đen” thường lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo. Các đối tượng thông qua mạng xã hội để dụ người dân vay tiền qua app (ứng dụng) với thủ tục đơn giản không cần thế chấp. Khi đòi nợ, các đối tượng sẽ gây sức ép bằng cách gọi điện thoại, nhắn tin đe dọa, hoặc sử dụng thông tin cá nhân, tài khoản mạng xã hội của người vay, thậm chí của người thân, bạn bè, đồng nghiệp để bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Khi người vay không có khả năng trả nợ, chúng sẽ nhờ các đối tượng có tiền án, tiền sự, sử dụng ma túy… đến siết nợ, ném chất bẩn, đe dọa, khủng bố tinh thần buộc người vay phải trả tiền cho chúng. Từ những phương thức, thủ đoạn, tác hại của loại tội phạm hoạt động liên quan đến “tín dụng đen” là một trong những nguy cơ cao làm phát sinh các loại tội phạm khác, như: gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản… gây bức xúc trong dư luận nhân dân, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
    Xác định rõ tính chất phức tạp và những hệ lụy liên quan đến “tín dụng đen”, thời gian qua, Công an tỉnh Hà Nam đã thường xuyên đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, cảnh báo thủ đoạn hoạt động của tội phạm và những hành vi vi phạm pháp luật, những hậu quả, hệ lụy do “tín dụng đen” gây ra. Các đơn vị nghiệp vụ và lực lượng công an cơ sở phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nói chuyện chuyên đề, phát tài liệu, phóng sự tuyên truyền trực quan, trực tiếp cho quần chúng nhân dân nâng cao cảnh giác, nhận diện, phòng chống tội phạm và những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. 
   Bên cạnh đó, 100% huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn đã triển khai thực hiện mô hình “xã, phường không có hoạt động tín dụng đen” với những giải pháp cụ thể, như: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cho vay trong các giao dịch dân sự; cập nhật, thông báo những phương thức, thủ đoạn cho vay nặng lãi, lừa đảo thông qua huy động vốn tự phát với lãi suất cao bất thường, hành vi đòi nợ trái pháp luật, hậu quả của “tín dụng đen” và các vụ, việc nghiêm trọng liên quan đến vỡ hụi, họ; vận động người dân không tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp các hoạt động cho vay lãi nặng; tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”... Qua đó, góp phần nâng cao hiểu biết, tinh thần cảnh giác và chấp hành nghiêm các quy định pháp luật của nhân dân; huy động tối đa sức mạnh tổng hợp của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm “tín dụng đen”.
    Cùng với đẩy mạnh công tác phòng ngừa, tuyên truyền nâng cao cảnh giác trong nhân dân, lực lượng công an từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động tăng cường nắm tình hình, rà soát, quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng, siết chặt công tác quản lý ngành nghề, cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, như: các cơ sở cầm đồ, cho vay tài chính và các đối tượng có dấu hiệu hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”. Bên cạnh đó, Công an tỉnh Hà Nam đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tập trung triệt phá những ổ nhóm, đối tượng hoạt động “tín dụng đen”. Theo đó, từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã bắt giữ 64 vụ, 78 đối tượng vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”; khởi tố 23 vụ, 35 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; xử lý hành chính 41 vụ, 43 đối tượng.
    Phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả và tiến tới xóa bỏ “tín dụng đen” trong đời sống xã hội là một yêu cầu cấp thiết hiện nay của các cấp, ngành, đơn vị, địa phương và nhân dân. Từ đó, góp phần lành mạnh hóa thị trường tín dụng, ổn định cuộc sống của người dân, bảo đảm an ninh trật tự địa phương. Giải pháp đấu tranh với loại tội phạm “tín dụng đen” hiệu quả nhất là các cấp, ngành, đơn vị, địa phương cần chung tay thực hiện tốt những cơ chế, chính sách về an sinh xã hội, chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức của người dân về cho vay trong các giao dịch dân sự, về “tín dụng đen”, bẫy “tín dụng đen” cũng như những hệ lụy mà nó gây ra./.
                                                                                                                                                Theo Báo Hà Nam

Tác giả: Vũ Thị Hồng Sâm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây