Một số hiện vật tiêu biểu về lịch sử, văn hóa tỉnh Hà Nam trưng bày tại Hội thảo khoa học Quốc gia "55 năm CAND thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh" tại Công an tỉnh Hà Nam

Thứ bảy - 10/08/2024 20:29
Một số hiện vật tiêu biểu về lịch sử, văn hóa tỉnh Hà Nam trưng bày tại Hội thảo khoa học Quốc gia "55 năm CAND thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh" tại Công an tỉnh Hà Nam
1. Trống đồng Ngọc Lũ      
1
Trống đồng Ngọc Lũ, ĐKM: 79cm, Cao: 63cm, ĐKĐ: 81cm
        Chính giữa mặt trống có ngôi sao 14 cánh. Từ tâm ra có 16 vành hoa văn: hình học; cảnh sinh hoạt của con người như nhảy múa, giã gạo, đánh trống, hình các vũ sĩ…; hình các động vật như chim lạc, hươu…Tang và thân trống có 6 chiếc thuyền: trên thuyền có người đánh trống, cầm vũ khí, chèo thuyền…Trống có hai đôi quai kép.
      Đây là chiếc trống có hoa văn phong phú nhất, đẹp nhất Việt Nam. Trống đã được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2013.
Niên đại: Văn hóa Đông Sơn – cách ngày nay khoảng 2000 - 2500 năm.
Nơi phát hiện: đình làng Ngọc Luc, xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục.

2.Trống đồng Đọi Sơn      
2
Trống đồng Đọi Sơn, ĐKM: 49.6cm, ĐKĐ: 51.6 cm, Cao: 29.6 cm, Phục chế (tỉ lệ 1/1) (01 hiện vật)
         Chính giữa mặt trống có ngôi sao 12 cánh. Từ tâm ra có 08 vành hoa văn: chữ công biến thể, chữ S kép nằm, hoa văn nhũ đinh dày, hình người cách điệu. Tang và thân trang trí hoa văn: nhũ đinh, lá đề cách điệu và xen giữa các lá đề là hoa văn hình chữ S kép nằm, chữ S lồng đứng, hồi văn chữ triện, tam giác lồng. Có hai quai đơn.
Niên đại: Văn hóa Đông Sơn – cách ngày nay khoảng 2000 năm.
Nơi phát hiện: xã Đọi Sơn – Duy Tiên (nay là xã Tiên Sơn – TX Duy Tiên).
 
3. Tượng đá Kinari
3
Tượng đá Kinari Cao: 58 cm, Rộng nhất: 32, Bệ vuông 22 x 22cm, Phục chế (tỉ lệ 1/1), (01 hiện vật)
        Tượng Kinari (đầu người mình chim) thường được trang trí trên đầu cột trong các kiến trúc thời Lý. Đây là một nhân vật thần linh nhưng lại đóng vai một nữ nhạc công. Tượng có nhiều họa tiết trang trí quen thuộc của thế kỷ XI – XII: Hoa nhỏ nhiều cánh kết thành dải trên đầu tượng như một vòng vương miện rực rở; những hình xoắn ốc tiếp nhau ở điểm, đuôi, hay tiếp tuyến với nhau ở mặt ngoài của đuôi cánh hoa được bắt nguồn từ nền nghệ thuật Đông Sơn...
         Tượng Kinari đã thể hiện sự giao lưu văn hóa Việt - Chàm.  Điều này có căn nguyên lịch sử, gắn với những cuộc chinh phạt vương quốc cổ Chăm Pa cửa vương triều Lý. Song nhà Lý chỉ tiếp thu ở đạo Balamôn của người Chàm ở hình tượng, còn phong cách và nhất là trang trí lại thể hiện rất đậm dấu ấn của nghệ thuật dưới triều đại nhà Lý.
Niên đại: Thời Lý (thế kỷ XII)
Nơi phát hiện: chùa Đọi Sơn, xã Đọi Sơn – Duy Tiên (nay là xã Tiên Sơn – TX Duy Tiên)         

4. Tượng Kim Cương
4
Tượng Kim Cương, Cao: 165 cm, Đế: 19x58cm Phục chế (tỉ lệ 1/1) (02 hiện vật)
       Tượng tạc bằng đá, mặc phục trang theo lối võ quan, đứng chông gươm trước bụng, lá chắn che trước ngực.  Áo giáp được trang trí tỷ mỷ bằng những hình hoa cúc, hình xoắn, trên toàn thân áo còn rải rác những bông hoa nhỏ nhiều cánh mang đặc trưng thời Lý, chân đi hia.
        Bộ tượng Kim Cương chùa Đọi Sơn là một tác phẩm điêu khắc phật Giáo cổ, quý hiếm, tiêu biểu nhất, đặc sắc, độc đáo nhất và hoàn chỉnh nhất trong số các tượng Kim Cương còn lại trong ngôi chùa thời Lý ở nước ta hiện nay. Bộ tượng thể hiện nhiều giá trị tư liệu để nghiên cứu về lịch sử, mỹ thuật, tôn giáo, trang phục cổ, sự giao thoa, ảnh hưởng văn hoá giữa quốc gia Đại Việt thời Lý với các nền văn hoá lớn ttring khu vực trong lịch sử.

5. Sách đồng
5
Sách đồng, Mỗi tấm có kích thước: Dài: 45cm, Rộng: 18,5 cm, Phục chế (tỉ lệ 1/1) (02 hiện vật)
Trên cả 4 mặt của 2 lá đồng/tờ đồng là những dòng chữ Hán khắc chìm, chữ đẹp, sắc nét, tổng cộng có 527 chữ.  Đây là một tư liệu quý, hiếm được đích thân nhà vua viết (Hoàng triều ngự chế). Đây cũng là nguồn sử liệu vô cùng quý giá, cung cấp thêm tư liệu về sự kiện vua Lê Thánh Tông thân chinh cầm quân đi chinh phạt Chiêm Thành, từ Hoàng Giang vào sông Long Xuyên chảy trên đất Lý Nhân, dừng chân ở Cầu Không, được thần âm phù, sau khi chiến thắng trở về cho đúc cuốn sách đồng ghi lại sự việc này. Sự kiện này góp phần khẳng định chắc chắn việc vua Lê Thánh Tông đã viếng đền Vũ Điện cách Cầu Không không xa và đã để lại bài thơ “Điếu Vũ Nương” nổi tiếng hiện còn treo ở đền Bà Vũ. Đặc biệt cuốn sách cũng cung cấp chi tiết việc dựng cây cầu bằng gỗ theo kiểu “Thượng gia hạ kiều” (trên là nhà dưới là cầu) đã được xây dựng ở thế kỷ XV và một lễ hội có lịch sử từ thế kỷ XV.
- Nơi phát hiện: xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân.
- Niên đại: Hồng Đức tam niên (năm 1472), đời Vua Lê Thánh Tông.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây