Phải bảo vệ dữ liệu cá nhân như tài sản quan trọng nhất

Thứ tư - 05/06/2024 02:56
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, lộ lọt dữ liệu cá nhân, nhất là các dữ liệu xác định danh tính thì một người khác có thể mạo danh chúng ta để hoạt động như chúng ta và tiêu tiền của chúng ta mà chúng ta không biết.

Sáng 5/6, tiếp tục chương trình chất vấn – trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ 2 thuộc trách nhiệm Bộ Công thương. Kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, có 40 lượt đại biểu chất vấn và tranh luận (trong đó có 6 đại biểu tranh luận). Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã phát biểu, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề của công nghệ là dùng công nghệ

Phải bảo vệ dữ liệu cá nhân như tài sản quan trọng nhất -0
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

Mở đầu phiên chất vấn, theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tham gia trả lời 2 nội dung là: các biện pháp kỹ thuật hạn chế tiêu cực trong thương mại điện tử và bảo vệ dữ liệu cá nhân trong giao dịch thương mại điện tử

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, quản lý Nhà nước vừa qua đầu tư chưa nhiều để phát triển các công cụ công nghệ số để thực thi quản lý Nhà nước trên không gian mạng. “Chúng ta phải coi công nghệ số như lực lượng quản lý cơ bản trên không gian mạng. Tôi rất tâm đắc với ý kiến của đại biểu Trần Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Ninh) là dùng công nghệ để quản lý công nghệ”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

bt nguyễn mạnh hùng.jpg -0
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tham gia trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, quản lý không gian mạng một là thể chế số, hai là công cụ số, ba là con người số - tức là kỹ năng số cho người dân. Thực tế thương mại điện tử đang phát triển rất nhanh 20 – 25%, có khi là 30% trong 1 năm nên thể chế số, công cụ số, kỹ năng số đang theo sau. Do vậy cần đẩy nhanh tốc độ những nội dung này, trong đó phát triển công cụ số có thể làm nhanh nhất. “Trên sàn thương mại điện tử có hàng triệu sản phẩm, đi theo nó là hàng triệu quảng cáo, không thể dùng sức người để quản lý được nữa mà phải dùng công nghệ số” - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phân tích.

 “Ví dụ phải phát triển phần mềm phát hiện quảng cáo có dấu hiệu sai sự thật, phát hiện hàng hóa có dấu hiệu hàng nhái”- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dẫn chứng và cho biết, các nền tảng số, sàn thương mại điện tử có thể xây dựng các thuật toán AI để rà quét, chặn lọc các tài khoản, các nguồn quảng cáo vi phạm pháp luật.

Lộ lọt dữ liệu cá nhân là người khác có thể mạo danh và tiêu tiền của chúng ta

Trả lời câu hỏi của đại biểu về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Chúng ta phải bảo vệ dữ liệu cá nhân như là tài sản quan trọng nhất của cá nhân vì lộ lọt dữ liệu cá nhân, nhất là các dữ liệu xác định danh tính như họ tên, địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ hộp thư, thông tin thẻ tín dụng… thì một người khác có thể mạo danh chúng ta để hoạt động như chúng ta và tiêu tiền của chúng ta mà chúng ta không biết.

đb.jpg -0
Các đại biểu tại phiên chất vấn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thương mại điện tử thời gian qua đã phát triển nhanh, dữ liệu cá nhân được thu thập lưu trữ và xử lý ngày càng nhiều, ngày càng lớn, đi kèm với nó là nguy cơ lộ lọt thông tin dữ liệu cá nhân ảnh hưởng đến thương mại điện tử và các lĩnh vực khác.

“Ai quản lý cái gì trong đời thực thì lên không gian mạng quản lý cái đó. Chính phủ đã có lộ trình xây dựng luật bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ngoài ra, để bảo vệ dữ liệu cá nhân, cần bảo đảm an toàn cho hệ thống lưu trữ và xử lý dữ liệu cá nhân” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu và cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt chỉ đạo các bộ ngành, địa phương triển khai công tác về đảm bảo an toàn thông tin. Bộ Thông tin – Truyền thông đã triển khai hệ sinh thái tín nhiệm mạng, đánh giá, xác nhận website đảm bảo an toàn thông tin mạng, thông tin cá nhân và gắn nhãn tín nhiệm cho trên 5.000 website chính thống, đồng thời công bố website lừa đảo. Đã phát triển thành công và đưa vào sử dụng các công cụ hỗ trợ người dân như là kiểm tra xem máy tính, điện thoại của mình có bị nhiễm mã độc không, kiểm tra xem thông tin cá nhân của mình có bị lộ lọt không, kiểm tra xem một website có phải lừa đảo hay không trên cổng khonggianmang.vn.

Có thể tôi đã trả lời chưa đúng, chưa trúng

Đó là thừa nhận của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên tại phiên chất vấn sáng 5/6. Bộ trưởng cho biết, chiều tối qua, ông đã đọc lại 31 câu tranh luận, chất vấn của đại biểu Quốc hội. "Thú thực phải đọc đi đọc lại rất nhiều lần thì mới hiểu đúng, hiểu hết một số ý của đại biểu Quốc hội. Vì thế trong quá trình trả lời, có thể tôi đã trả lời chưa trúng, chưa đúng, chưa hết, thậm chí là vượt hơn nội dung đại biểu yêu cầu” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ.

diên.jpg -0
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn.

Tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về xử lý rác thải điện tử, rác thải nhựa, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, rác điện tử những năm gần đây gia tăng mạnh và xử lý rác điện tử rất khác với xử lý rác hữu cơ. Nếu hai ngành này không liên kết phối hợp với nhau thì sẽ không giải quyết được. Ví dụ khi chúng ta phát triển xe điện, từ đó dẫn đến rác thải là pin điện. Chúng ta đẩy mạnh năng lượng tái tạo là năng lượng mặt trời, dẫn đến rác thải pin mặt trời thì cách xử lý như thế nào? Chúng ta đẩy mạnh số hoá, đẩy mạnh công nghệ thì rác điện tử từ hàng chục triệu người tiêu dùng đã chiếm số lượng rất lớn và các ngành đều biết, nhưng tôi chưa thấy sự phối hợp giữa hai ngành này. Điều này sẽ cản trở sự phát triển bền vững trong tương lai.

trương trọng nghĩa.jpg -0
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa chất vấn về xử lý rác thải nhựa, rác thải điện tử.

Trước băn khoăn của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đồng tình về xử lý môi trường trong ngành Công thương, đặc biệt là rác. Điện gió, điện sạch sau chu kỳ khai thác thì linh kiện, thiết bị sẽ đẩy ra môi trường rất lớn. Mọi cơ chế, chính sách đều gắn kết trách nhiệm các ngành, các cấp, cơ quan chức năng, "một mình không bao giờ làm được".

Đã 2 lần bổ sung các luật liên quan đến thương mại điện tử

Tham gia giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng thương mại điện tử sẽ là một xu thế tất yếu và sẽ thay thế dần các chợ, cửa hàng theo thương mại truyền thống. Về mặt pháp luật, từ năm 2006 đến nay đã 2 lần bổ sung, sửa đổi các luật liên quan đến thương mại điện tử, điều đó cho thấy chúng ta đã quan tâm khá toàn diện đến lĩnh vực này. Hiện chúng ta có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Giao dịch điện tử và các Nghị định có liên quan.

ptt.jpg -0
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giải trình một số vấn đề đại biểu nêu.

Để đảm bảo an toàn, an ninh dữ liệu cá nhân, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, mặc dù đã có nhiều quy định trong hệ thống pháp luật nhưng việc cập nhật để có sự thống nhất trong các hệ thống pháp luật, việc triển khai ban hành các nghị định, trong đó có sự tích hợp từ các chính sách của các luật là hết sức cần thiết. Cần thể chế hóa để quản lý nền tảng mạng trên xã hội, yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam, đảm bảo hài hòa với pháp luật quốc tế. Đồng thời, đưa ra các tiêu chí cụ thể liên quan đến an ninh mạng, dữ liệu, giao dịch, hợp đồng, định danh, chữ ký điện tử… Nếu làm được điều này, có thể thông qua trí tuệ nhân tạo để quản lý các hoạt động trên môi trường số, trong đó quản lý định danh người bán trên thương mại điện tử. 

Liên quan đến thu hút đầu tư, tham gia các FTA, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định FTA, nhưng cũng cần nhìn nhận là lợi ích mang lại chưa lớn. Vì vậy, thời gian tới cần triển khai nhanh chóng để đáp ứng các quyết định từ các hiệp định thương mại này; hơn nữa thông tin về thị trường cũng như môi trường pháp lý của các nước tham gia FTA; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa đầy đủ… Vì vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp là rất cần thiết; đồng thời cần có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hàng hóa và doanh nghiệp trong nước…. Đối với thu hút FDI, cũng cần có tiêu chí chặt chẽ hơn, thu hút nguồn vốn đầu tư vào công nghệ, cam kết nghiên cứu và chuyển giao cho doanh nghiệp Việt Nam.

Tác giả: BÁO CAND

Nguồn tin: Báo CAND:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây