Bảo đảm điều kiện hoạt động cho lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

Thứ hai - 03/06/2024 03:04
Từ ngày 1/7/2024, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở có hiệu lực thi hành. Luật có vai trò quan trọng, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng trong hoạt động quản lý, sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở để hỗ trợ lực lượng công an cấp xã thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, góp phần xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) ngày càng sâu rộng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ, giữ vững ổn định ANTT ngay từ địa bàn cơ sở.

Nhân tố quan trọng trong bảo đảm ANTT ở cơ sở

Ông Trần Ngọc Tuyền (sinh năm 1965, thôn Đô Quan, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên) tham gia công an viên bán chuyên trách xã Mộc Nam được 38 năm. Ông được người dân tín nhiệm, quý mến bởi dù đã gần 60 tuổi, nhưng ông vẫn tích cực, nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy với việc thôn, việc xã. Xã Mộc Nam là địa bàn giáp ranh với tỉnh Hưng Yên, được đánh giá là địa bàn phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma túy. Tại một số khu vực, các đối tượng xấu thường lợi dụng địa bàn giáp ranh của xã để hoạt động phạm pháp. Do vậy, để chủ động phòng ngừa tội phạm ngay tại cơ sở, với vai trò công an viên bán chuyên trách, ông Tuyền xác định phải tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội (TNXH). Ông đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai các biện pháp tuyên truyền, cảm hóa, giáo dục đối tượng có biểu hiện vi phạm pháp luật nhằm kéo giảm, đẩy lùi tội phạm, TNXH.
Cùng với đó, hằng ngày, ông cùng các đồng chí công an viên bán chuyên trách trong xã không quản ngại khó khăn, vất vả hỗ trợ tích cực cho lực lượng Công an xã Mộc Nam trong xử lý công việc, tích cực tham gia tuần tra, bảo vệ hiện trường khi có tai nạn, va chạm giao thông xảy ra trên địa bàn. Với những đóng góp sau gần 40 năm công tác, ông được Bộ trưởng Bộ Công an 2 lần tặng Kỷ niệm chương bảo vệ ANTQ và Kỷ niệm chương trong thực hiện Đề án Dữ liệu quốc gia về dân cư; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an vì có thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp với lực lượng Cảnh sát nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Khi chúng tôi đề cập tới Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, trong đó quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, chế độ cho lực lượng này, ông Trần Ngọc Tuyền bộc bạch: Quan điểm xuyên suốt của tôi, đó là còn sức khỏe, còn cống hiến cho công tác bảo đảm ANTT. Đây không chỉ là niềm vui, mà còn là trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng xã hội.

Cũng như ông Tuyền, anh Nguyễn Tiến Bộ, Trưởng ban bảo vệ dân phố (BVDP) phường Minh Khai (thành phố Phủ Lý) không quản ngại khó khăn, vất vả luôn hỗ trợ tích cực cho lực lượng công an phường trong xử lý công việc, tích cực tham gia tuần tra bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, kịp thời nhắc nhở các trường hợp buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, phát hiện và giải tán các nhóm thanh, thiếu niên gây rối trật tự công cộng. Anh Nguyễn Tiến Bộ cho biết: Bản thân tôi đã có gần 20 năm công tác trong lực lượng ban bảo vệ dân phố. Đây là niềm vui, niềm vinh hạnh khi được tham gia cùng lực lượng công an phường trong công tác bảo đảm ANTT ngay tại địa bàn cơ sở.  
Thiếu tá Ngô Đức Long, Trưởng Công an xã Mộc Nam chia sẻ: Thời gian qua, tuy chế độ đãi ngộ, công cụ hỗ trợ và điều kiện làm việc còn nhiều hạn hẹp, nhưng đội ngũ công an viên bán chuyên trách tại địa phương luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, thực sự trở thành “cánh tay nối dài” của lực lượng công an cấp cơ sở. Thực tế cho thấy, xảy ra vụ việc gì ở địa phương, lực lượng công an xã bán chuyên trách đều có mặt và nắm bắt đầu tiên vì họ bám cơ sở. Có những vụ việc liên quan đến mâu thuẫn gia đình, vợ chồng hay mâu thuẫn giữa xóm giềng… khi tiếp cận thông tin, các đồng chí công an viên cơ bản đã xử lý đâu ra đấy. 

Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.630 người đang thực hiện nhiệm vụ tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, gồm: lực lượng công an xã bán chuyên trách, BVDP và dân phòng. Thực tế thời gian qua cho thấy, tuy chế độ đãi ngộ, công cụ hỗ trợ và điều kiện làm việc còn nhiều hạn hẹp, nhưng đội ngũ công an viên bán chuyên trách, ban BVDP, dân phòng tại địa phương luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, giúp lực lượng công an cơ sở kịp thời phát hiện, ngăn ngừa đấu tranh với các loại tội phạm, TNXH, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ANTT ngay từ cơ sở.

Bảo đảm chế độ chính sách, điều kiện làm việc

Để tạo cơ sở pháp lý sắp xếp, kiện toàn, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của 3 lực lượng (BVDP, công an xã bán chuyên trách, dân phòng) thành một lực lượng thống nhất với chức năng, nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở, cuối tháng 11/2023, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở (hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024). Luật được thông qua gồm 5 chương, 33 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Luật quy định rõ nguyên tắc tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở: Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; dựa vào nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân. Chịu sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, sự quản lý của UBND cấp xã; sự hướng dẫn, phân công, kiểm tra của công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật này. Đáp ứng yêu cầu bảo vệ ANTT; phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương; không phân biệt đối xử về giới trong lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Ngoài ra, các thành viên còn được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế và các điều kiện làm việc khác; được cấp trang phục, công cụ hỗ trợ theo quy định của Bộ Công an; được huấn luyện, bồi dưỡng, diễn tập hằng năm theo quy định. Qua đó tạo điều kiện tốt nhất cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, là “cánh tay nối dài” của công an cấp xã, góp phần củng cố thế trận an ninh nhân dân, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh.

Để Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được triển khai thực hiện tốt trên địa bàn tỉnh. Công an tỉnh đã chủ trì tham mưu UBND tỉnh tổ chức tập huấn về Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; xây dựng Đề án tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Nghị quyết quy định cụ thể về tiêu chí thành lập, số lượng thành viên; chế độ, chính sách, điều kiện hoạt động, quan hệ công tác đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; số lượng tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở cần thành lập.

Theo đó, dự kiến toàn tỉnh sẽ thành lập 387 tổ bảo vệ ANTT với 1.669 thành viên. Công an các đơn vị, địa phương tham mưu, phối hợp bố trí địa điểm, nơi làm việc; tổ chức tuyển chọn lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở theo tiêu chuẩn, điều kiện quy định và tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng chính trị, pháp luật, nghiệp vụ cho lực lượng này, bảo đảm các điều kiện ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vào ngày 1/7/2024. 

 

Tác giả: Báo Hà Nam

Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...

Thống kê
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay32,499
  • Tháng hiện tại554,913
  • Tổng lượt truy cập6,188,610
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây