Hà Nam: Nhiều giải pháp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông trong học đường

Thứ ba - 15/10/2024 05:26
Với mục đích nâng cao ý thức, trách nhiệm của học sinh trong việc tham gia giao thông an toàn, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh; Công an các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) cho học sinh bằng nhiều hình thức, cách làm sáng tạo. Nhiều hoạt động ngoại khóa, mô hình về giao thông đã được triển khai, thực hiện giúp các em học sinh hiểu được an toàn giao thông không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, từ đó góp phần hạn chế vi phạm và giảm thiểu tai nạn giao thông trong trường học.
   Trường THPT B Duy Tiên nằm cạnh Quốc lộ 38, tuyến đường hàng ngày có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao, nhất là vào đầu giờ sáng và giờ tan tầm, công nhân di chuyển từ các Khu công nghiệp Đồng Văn ra rất đông, khiến cho giao thông trước cổng trường khá phức tạp. Trong khi đó, hầu hết các em học sinh của Trường THPT B Duy Tiên sử dụng phương tiện là xe đạp điện, xe máy điện và xe gắn máy dưới 50 phân khối để đến trường. Vì vậy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT. Để góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an thị xã Duy Tiên đã phối hợp với Trường THPT B Duy Tiên triển khai mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, “Tổ tự quản ATGT” qua đó đã huy động sự tham gia trực tiếp của các thành viên là thầy cô giáo và học sinh nhà trường. Từ khi triển khai đến nay, CBCS Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an thị xã Duy Tiên thường xuyên phối hợp, hỗ trợ tổ tự quản làm tốt công tác bảo đảm TTATGT tại khu vực cổng trường, nhất là vào các giờ cao điểm, không để xảy ra tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông... Cùng với đó tổ chức nhiều buổi tuyên truyền giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh; tập huấn, hướng dẫn, kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường; đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý các học sinh vi phạm, lập danh sách, thông báo cho nhà trường có biện pháp quản lý, giáo dục. Với những giải pháp thiết thực, tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực cổng trường vào giờ cao điểm giảm đi đáng kể. Đồng chí Bùi Đức Thiện, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường THPT B Duy Tiên (Hà Nam) cho biết: “Trường chúng tôi nằm ngay trục đường chính nên việc triển khai thực hiện mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” và “Tổ tự quản ATGT” đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông đường bộ của học sinh, phụ huynh và giáo viên nhà trường. Để thực hiện hiệu quả mô hình này, Ban Giám hiệu nhà trường đã thành lập các tổ, đội sao đỏ do thầy, cô tổng phụ trách đội làm tổ trưởng hướng dẫn phụ huynh, học sinh dừng đỗ phương tiện đúng nơi quy định, không gây cản trở, ùn tắc giao thông và tăng cường kiểm tra, ghi nhận, xử lý nghiêm các trường hợp học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông đường bộ trong các khung giờ cao điểm tại khu vực cổng trường... Nhờ cách làm này, thời gian qua tình trạng lộn xộn, ùn tắc trước, quanh cổng trường cơ bản đã được khắc phục, đảm bảo ATGT”.
img 2811
Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tuyên truyền Luật giao thông đường bộ cho học sinh trường THPT B Duy Tiên
    Hiện nay, tỉnh Hà Nam đã xây dựng và duy trì hàng trăm mô hình “Cổng trường An toàn giao thông”, “Tổ tự quản ATGT” tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Mô hình đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh. Trên cơ sở thành lập mô hình, các hoạt động tuyên truyền ATGT cũng được tổ chức tập trung hoặc lồng ghép trong nhà trường, thông qua các buổi sinh hoạt chào cờ, sinh hoạt của từng lớp dưới các hình thức: “Sân khấu hóa”, tuyên truyền miệng, băng zôn, pano, áp phích, phát tờ rơi, trình chiếu video hình ảnh về văn hóa giao thông…
img 4454 1

   
imgp9238
Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nam kiểm tra, lập biên bản xử lý các trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ
    Để việc tuyên truyền về an toàn giao thông đi vào chiều sâu, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật phải được đổi mới, nội dung gần gũi, thiết thực và phù hợp với từng lứa tuổi; linh hoạt, khéo léo đưa nội dung tuyên truyền, giáo dục với các tình huống thực tế nhằm giúp học sinh cập nhật kiến thức về an toàn giao thông. Khuyến khích học sinh tham gia sáng tạo nội dung, đề xuất giải pháp đảm bảo an toàn giao thông để ứng dụng trong cuộc sống. Những buổi tuyên truyền như thế không chỉ tạo sự thoải mái, vui vẻ mà còn giúp các em tiếp thu nhanh và hiệu quả nhất. Ngoài ra, các địa phương đã tổ chức nhiều cuộc thi, hội thi về Luật Giao thông đường bộ thu hút đông đảo học sinh tham gia, như: Ủy ban nhân dân huyện Thanh Liêm tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông năm 2024 với chủ đề “Học sinh với việc thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hoá giao thông an toàn”; Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật huyện Kim Bảng tổ chức Hội thi “Tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ và phòng chống bạo lực học đường”; Trường mầm non Nguyễn Úy (Kim Bảng) tổ chức Hội thi “Bé với an toàn giao thông”...
1
Ủy ban nhân dân huyện Thanh Liêm phát động Hội thi tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông năm 2024.
    Đặc biệt, thực hiện cao điểm bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trên cả nước từ ngày 01/10 đến hết ngày 31/10/2024, lực lượng CSGT Công an toàn tỉnh đã tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các tuyến giao thông, địa bàn gần khu trường học, khu vực có nhiều thanh, thiếu niên tụ tập vi phạm TTATGT. Tập trung vào các hành vi vi phạm như: điều khiển xe không có giấy phép lái xe; không đội mũ bảo hiểm; chạy dàn hàng ngang; giao phương tiện cho người chưa đủ điều kiện để điều khiển; các trường hợp học sinh, phụ huynh vi phạm dừng, đỗ xe sai quy định dưới lòng đường… Trao đổi về vấn đề này, Trung tá Lưu Tuấn Anh - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an TP. Phủ Lý, Hà Nam cho biết: “Thực tế cho thấy, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh đều có nguyên nhân từ việc các em vi phạm Luật Giao thông đường bộ, thiếu kỹ năng xử lý tình huống trên đường. Để phòng ngừa, hạn chế tai nạn giao thông, vào các giờ cao điểm, lực lượng CSGT – TT, Công an thành phố Phủ Lý đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, đảm bảo TTATGT trước các cổng trường; đồng thời phối hợp với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, đoàn viên, bảo vệ các trường học tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh đưa đón học sinh đỗ xe đúng quy định; phối hợp nhà trường tổ chức tuyên truyền, ký cam kết và hướng dẫn kỹ năng điều khiển phương tiện, xử lý tình huống khi tham gia giao thông cho các cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh. Bên cạnh đó, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, nhà trường; đặc biệt là gia đình cần làm tốt công tác giáo dục, quản lý con em chấp hành nghiêm pháp luật về an toàn giao thông, tuyệt đối không giao phương tiện cho trẻ sử dụng khi chưa đủ tuổi để bảo đảm an toàn cho bản thân và cho những người xung quanh, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra”.
    Với cách làm hay, sáng tạo cùng sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị chức năng, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo đảm TTATGT trong các trường học đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của các em học sinh, hình thành nét đẹp văn hóa giao thông tại các trường học, bảo đảm an ninh, trật tự và ATGT trên địa bàn tỉnh./.

Tác giả: Vũ Thị Hồng Sâm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây